Văn Hóa Dùng Đũa Của Người Việt Nam

Văn Hóa Dùng Đũa Của Người Việt Nam
Đánh giá

Mặc cho sự du nhập mạnh mẽ của phong cách ăn bằng dao và nĩa, thế nhưng nếu được hỏi, chắc chắn hầu hết người Việt sẽ trả lời rằng mình ăn uống thoải mái nhất khi dùng đũa. Bởi trong mâm cơm của người Việt có hạt gạo mềm dẻo, có miếng cá, miếng thịt hay sợi rau dài, vì vậy đôi đũa là sự lựa chọn hoàn hảo giúp người Việt gắp thức ăn thuận tiện hơn. Không ai biết tục dùng đũa bắt nguồn từ đâu và được sử dụng từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là nét văn hóa rất lâu đời của người Việt. Dù sang giàu hay nghèo khổ, thì bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở nước Việt đều biết đến sự hiện diện của đôi đũa mộc mạc.

Văn Hóa Dùng Đũa Của Người Việt Nam

Người Việt cho rằng, phong cách dùng đũa cũng thể hiện phần nào trình độ văn hóa và giáo dục của một người. Vậy nên ngay từ tấm bé, hầu hết mọi người đều được ông bà, bố mẹ dạy cách cầm đũa, so đũa và chuẩn bị đũa cho người lớn.

xem thêm: Món Ngon Cá Bông Lau Về Nấu Canh Chua Bần

Đầu tiên là tác phong so đũa, tức là xếp cho hai đầu đũa đều nhau trước khi sử dụng. Văn hóa dùng đũa của người Việt rất kỵ đũa lệch, vì họ cho rằng, một đôi đũa so lệch là biểu hiện của một gia đình không êm ấm, vợ chồng không hòa thuận. Trong mâm cơm gia đình, người nhỏ tuổi nhất sẽ là người so đũa đưa cho người lớn tuổi nhất hoặc khách quý đến nhà.

Khi dùng đũa chỉ sử dụng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Ngón áp út đặt dưới mặt đũa, ngón cái và ngón trỏ cố định đũa, để lại phần cuối đũa thừa khoảng 1 phân.

Khi gắp thức ăn không nên xới trộn đĩa thức ăn lên để tìm món mình thích; không khuấy vào bát nước chấm hay bát canh chung; nếu muốn gắp thức ăn cho người khác, phải trở đầu đũa hoặc có một đôi đũa dùng chung; không nên đặt đũa chéo, ngậm đũa hay làm rơi đũa khi ăn; không chỉ đũa vào mặt người khác hay khua tay múa mép khi đang ăn; không nên khua chén tạo ra tiếng động vì theo quan niệm dân gian, âm thanh này được ví như gọi ma đói đến nhà; không nên dựng đũa thẳng đứng trên bát cơm vì điều này tương ứng như việc cắm nhang vào bát hương để cúng cho người đã mất…

Những phép ứng xử khi dùng đũa này tuy nhỏ nhặt và nghe có vẻ giáo điều, nhưng chúng lại giúp bữa ăn trở nên vệ sinh, lịch sự và có văn hóa hơn; thể hiện mức độ khéo léo, tinh tế và trình độ giáo dục của người dùng đũa; đồng thời cũng là chỉ dấu của tình cảm và sự quan tâm mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau.

Văn hóa dùng đũa không chỉ là phong tục tập quán lâu đời, mà còn là một nếp sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi bữa cơm Việt. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên dạy bảo con về nét văn hóa này ngay từ khi con còn nhỏ tuổi, để con có sự hiểu biết nhất định về lễ nghĩa và nề nếp khi ăn uống, qua đó cũng là cơ hội để cha mẹ rèn luyện cho con tính kiên nhẫn, sự khéo léo và tinh tế trong cuộc sống.

Nước mắm Thanh Phương Phú Quốc giàu đạm – Thắm đậm tình thương

haophuquoc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *